CÁCH PHÒNG TRÁNH ĐAU MẮT ĐỎ DÀNH CHO TRẺ EM
Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng, không để lại di chứng về sau và có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nhiều lần ở một người bởi cơ thể con người không thể sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh này. Nếu chúng ta không biết cách chăm sóc, phòng và điều trị thì bệnh đau mắt đỏ có thể dẫn đến viêm giác mạc, giảm thị lực lâu dài, ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt và làm việc.
Để chúng ta hiểu thêm về bệnh sau đây là một số thông tin về bệnh đau mắt đỏ:
1. Khái niệm:
Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp, đây là bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già.
Bệnh dễ lây lan, xảy ra quanh năm có thể lan rộng ra thành dịch trong thời điểm từ Hè đến cuối Thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối…cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.
Là bệnh lành tính, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ biến chứng khoảng 20% chủ yếu là viêm giác mạc. Nếu không điều trị kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.
2. Nguyên nhân gây ra đau mắt đỏ và những triệu chứng thường gặp
2.1. Nguyên nhân:
- Do virus: Là nguyên nhân hay gặp nhất. Bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân.
- Do vi khuẩn: Bệnh lây qua tiếp xúc dịch tiết hay vật dụng có dính dịch tiết chạm vào mắt. Có thể gây tổn thương nặng khi không được điều trị.
- Do tác nhân gây dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc,...): Xuất hiện trên những người có cơ địa dị ứng, bệnh thường xuất hiện tái đi tái lại có thể xuất hiện theo mùa. Không lây và muốn điều trị dứt điểm phải tìm được tác nhân gây dị ứng.
2.2. Triệu chứng: thay đổi tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh:
2.2.1. Triệu chứng viêm kết mạc do virus
- Kết mạc mắt đỏ.
- Ngứa, chảy nước mắt, cảm giác cộm xốn mắt.
- Phù mi, có thể xuất hiện giả mạc ở mắt.
- Có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như: Ho, hắt hơi, sốt, viêm họng, nổi hạch.
- Khi có biến chứng: Cảm giác chói mắt, giảm thị lực, thâm nhiễm giác mạc.
- Có thể bị một hoặc hai bên.
2.2.2. Triệu chứng viêm kết mạc do vi khuẩn
- Xuất hiện gỉ mắt (ghèn) màu xanh hay vàng dính 2 mi mắt khi thức dậy
- Ngứa, chảy nước mắt.
- Xuất hiện gỉ mắt màu xanh hay vàng dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng.
- Kết mạc mắt đỏ.
- Trường hợp nặng gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi.
- Có thể bị một hoặc cả hai bên mắt.
2.2.3 Triệu chứng viêm kết mạc do dị ứng
- Bệnh có thể xuất hiện theo mùa, hay tái phát.
- Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều.
- Thường kèm theo viêm mũi dị ứng.
- Bệnh xảy ra ở cả hai mắt.
3. Cách lây lan:
Viêm kết mạc cấp chủ yếu lây lan bằng đường tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch tiết ở mắt của người bệnh, sau đó người bệnh dụi mắt rồi dùng tay cầm các vật dụng chung trong gia đình, hay bạn bè như ly cốc, khăn mặt, chậu rửa, chăn gối, ống thuốc nhỏ mắt, bàn ghế, bát đũa, điện thoại, bắt tay nhau v.v.
Đường lây thứ hai là qua hô hấp và nước bọt người bệnh có mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi không che miệng hoặc mang khẩu trang. Vì vậy bệnh có thể lây lan nhanh thành dịch ở các trường học, công sở, ký túc xá v.v.
Bệnh không lây qua việc nhìn vào mắt bệnh nhân, vì vậy việc đeo kính chỉ giúp người bệnh bớt chói mắt, bụi bặm và khó chịu chứ không ngăn chặn được sự lây lan như dân gian thường quan niệm trước đây.
4. Cách phòng bệnh và điều trị bệnh:
Cách phòng bệnh
- Cách ly người bệnh để tránh lây lan sang người khác.
- Đeo kính khi đi đường để tránh bụi, tra nước muối sinh lý để rửa mắt.
- Dùng riêng cốc uống nước, khăn và chậu rửa mặt.
- Không dùng tay dụi mắt.